Các đơn vị vận tải hàng hóa, vận tải hành khách bắt buộc phải cho tài xế xe đi khám sức khỏe định kỳ. Tài xế phải cung cấp thông tin đầy đủ chính xác tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật của bản thân một cách trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe. Tài xế thực hiện khám sức khỏe định kỳ đều đặn 1-2 lần/năm để tầm soát các vấn đề sức khỏe.
Tuy vậy, đối với tài xế có tiền sử về sức khỏe bản thân và gia đình hoặc đang ở độ tuổi cao, tài xế có thể đăng ký thực hiện các dịch vụ khám và xét nghiệm chuyên sâu liên quan đến nguy cơ mắc bệnh của mình.
Nếu người sử dụng lao động lái xe ô tô có hành vi không khám sức khỏe định kỳ cho tài xế lái xe thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm k Khoản 2 và Điểm a Khoản 7 Điều 28 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, bị phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 - 4 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định.
Theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015 quy định những trường hợp không đủ điều kiện lái ô tô:
Người mắc các bệnh tâm thần, thần kinh, một số bệnh về mắt, tai mũi họng, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết như đái tháo đường (tiểu đường) có tiền sử hôn mê do đái tháo đường trong vòng 1 tháng… thì không đủ điều kiện lái ô tô.
Người mắc các bệnh tim mạch như: Tăng huyết áp, các bệnh viêm tắc mạch, dị dạng mạch máu, các rối loạn nhịp tim, cơn đau thắt ngực do bệnh lý mạch vành, ghép tim, suy tim… thì không được phép lái ô tô.
Người sử dụng thuốc, chất có cồn, ma tuý và các chất hướng thần khác cũng không đủ điều kiện lái ô tô.
Ý kiến bạn đọc